Góc sưu tầm

RÀO CẢN TRONG NHỮNG CUỘC ĐÀM PHÁN CÓ LỢI CHO ĐÔI BÊN: BÀI HỌC TỪ "CON NỢ" HY LẠP

09h - 17/05/2016

Hy Lạp là nước có mức nợ công thuộc loại nhiều nhất tại châu Âu so với quy mô nền kinh tế và được ví như "một con bệnh đang trong thời kỳ nguy kịch". Đề tài nợ công Hy Lạp đã khiến những ai có thói quen đọc tin tức mỗi sáng phải thở dài ngán ngẩm, vì báo chí trong và ngoài nước đã theo đuôi câu chuyện này suốt 6 năm nay. Tạm gác lại việc phân tích gia cảnh của đứa con khó bỏ của EU này, chúng ta có thể rút ra được bài học gì?

Những buổi đàm phán với nỗ lực tái thương lượng về gói cứu trợ Hy Lạp đã bộc lộ rõ những chông gai trên con đường đi đến một thỏa thuận có lợi cho cả Hy Lạp và các nước chủ nợ.

Trước đây, đã có nhiều tác giả bình luận về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp hiện nay, trong tình hình chính phủ mới được bầu có nhiệm vụ tối quan trọng là làm giảm các điều khoản nặng nề về ngân sách cũng như gói cứu trợ mới. Trong những thương lượng phức tạp thế này, tôi cho rằng, về mặt lý, mọi chủ nợ đều mong muốn người đi vay có thể thanh toán được toàn bộ khoản tiền nợ. Nhưng trong trường hợp bên vay chỉ có thể chi trả một phần, đây là lúc hai bên cùng ngồi xuống bàn bạc để tìm ra giải pháp có lợi nhất trước khi tình huống xấu nhất xảy ra là bên vay phá sản, hoặc trong trường hợp bên vay là một quốc gia, lâm vào hỗn loạn kinh tế, và chủ nợ không lấy lại được đồng nào.

Vào lúc này, bên chủ nợ có thể chấp nhận đề xuất xin cắt giảm khoản nợ từ bên vay. Ví dụ, một ngân hàng cho công ty vay 1 triệu euro vào thời điểm mà các dự báo về tình hình kinh doanh tương lai của công ty đều tích cực. Nhưng rồi các sự cố không lường trước, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty xảy ra – có thể là khủng hoảng kinh tế, biến động trong ngành ngoài dự đoán, hay thảm họa thiên nhiên, và các khó khăn này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của cả ngân hàng và công ty. Giờ đây, công ty không thể thanh toán toàn bộ khoản vay vì họ đang thâm hụt trầm trọng về tài chính. Ta cũng hãy giả sử công ty này không thể gọi vốn mới hay bán tài sản. Lúc này đây, ngân hàng nên làm gì?

Khi ngân hàng cũng chấp nhận sự thật là các khó khăn trên bắt nguồn từ những yếu tố ngoại vi vượt qua tầm kiểm soát của bên nợ, thì cho dù ngân hàng có khăng khăng ép công ty thanh toán thì việc đó cũng ko đi đến đâu cả. Nếu công ty này phá sản và lại không có bất kỳ tài sản nào đem bán được, khi đó giá trị kỳ vọng của khoản thanh toán sẽ về không. Trong tình huống này, ngân hàng có lựa chọn ghi giảm hay cắt bớt lãi suất để hạ thấp giá trị hiện tại của khoản nợ tới một con số chấp nhận được với công ty đó. Con số này đôi lúc lại khó đạt được vì khi các điều kiện được nới lỏng, công ty sẽ có kỳ kèo để ngân hàng giảm sâu hơn nữa khoản nợ họ phải trả. Thế nhưng, nếu ngân hàng có được:

-   Thông tin cụ thể về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty;

-   Các báo cáo liên quan đến ngành;

-   Các yếu tố ảnh hưởng đến khoản nợ này,

thì cả ngân hàng và công ty đều hoàn toàn có thể tìm được giải pháp có lợi đôi bên. Giá trị khoản nợ giờ đây có thể là 700,000 euro, ít hơn 30% so với ban đầu, nhưng chắc chắn là có lợi hơn bằng không.

Hãy để ý đến những điều kiện để hai bên được được thỏa thuận có lợi chung:

i) đây là tình huống hy hữu;

ii) nguyên nhân gây ra sự cố phải đến từ bên ngoài;

iii) ngân hàng phải có thông tin về công ty;

iv) việc ép công ty giải thể không đem lại lợi lộc gì cho ngân hàng.

Các ngân hàng thường tái cơ cấu khoản nợ theo cách này vì nó mang lại lợi ích khả quan nhất cho họ. Nhưng trong thời đại mà các chủ ngân hàng địa phương không còn có mối quan hệ làm ăn thân mật với các doanh nghiệp như trước đây, mà thay vào đó mọi vấn đề đều được tập trung về cơ quan ngân hàng trung ương xử lý, chiến lược này rất ít được sử dụng. Một thạc sỹ tài chính đã phát biểu về nền tài chính ở các nước hồi giáo như sau: đạo đức nghề nghiệp trong tài chính nghĩa là người cho vay phải hành xử đúng đắn và công bằng với người đi vay khi họ lâm nạn, đồng thời ra giải pháp thấu tình đạt lý cũng như có lợi về tài chính cho cả hai bên. Tôi không biết giả thuyết trên có bằng chứng thuyết phục nào không, nhưng dù gì nó cũng gợi ở tôi nhiều trăn trở.

KHÓ KHĂN ĐẾN TỪ BẤT CÂN XỨNG THÔNG TIN

Giờ ta xét đến tình huống là một công ty sau khi được giảm nợ một lần thì lại tiếp tục xin ngân hàng giảm nợ lần thứ hai, trong trường hợp này thì nó không còn là hy hữu nữa (tham chiếu với điều i) ở trên). Ngân hàng giờ đây quyết định xem xét lại xem xét lại việc tái cấu trúc nợ lần trước và họ nhận ra một điều. Trong những tình huống thế này, luôn luôn tồn tại một sự không đầy đủ thông tin, mà trong kinh tế học được gọi là sự bất cân xứng thông tin (The problem of asymmetric information), một căn bệnh đang lan rộng trong nền kinh tế ngày nay. Ngân hàng không bao giờ hiểu về ngành kinh doanh bằng một doanh nghiệp, vậy nên khi vấn đề bị lặp đi lặp lại thì nó không còn là điều bất khả kháng nữa mà nó thể hiện sự bất cẩn trọng

Đồng thời, ngân hàng cũng phải tự xem xét xem hành vi nhân nhượng của mình có khuyến khích một cách gián tiếp cho con nợ có động cơ để gian lận hay không và động cơ này có lan tỏa đến các con nợ khác hay không. Khi vẫn còn tồn tại sự bất cân xứng về thông tin, các công ty sẽ ôm nghèo kể khổ quá mức để được ngân hàng ghi giảm nợ. Đổi lại, ngân hàng sẽ cho rằng họ nên siết chặt quy định ngay cả trong các trường hợp có thể thương lượng để ngăn cản các công ty khác cũng giả vờ ca bài “chúng thôi không trả được nợ”

Khi mâu thuẫn và sự bất cân xứng về thông tin càng thổi phồng lên thì ngân hàng lại càng khó có cơ hội đưa ra những quyết định để tối ưu hóa việc thu hồi công nợ, bởi vì lúc đó họ phải bảo vệ bản thân khỏi những con nợ bất chính khác. Khi phải cân nhắc giữa những thua thiệt ngắn hạn (mà đáng lẽ ra có thể lấy lại được nếu quy định được nới lỏng) với những lợi ích lâu dài, họ sẽ nghĩ có suy nghĩ rằng thà không thu được nợ ngắn hạn còn hơn là trong tương lai bị coi là kẻ dễ bị dắt mũi.

Về tổng quan, ta có thể coi đây là minh chứng điển hình của lý thuyết trò chơi (game theory). Lý thuyết này liên quan đến chuyện đấu trí giữa nhiều cá nhân độc lập nhưng phụ thuộc vào nhau. Cuộc sống có vẻ là một bài toán hết sức rõ ràng như trong trò chơi Song đề tù nhân (prisoners’ dilemma) nhưng khi các trò chơi này được lặp đi lặp lại thì nó càng ngày càng phức tạp lên, và cuộc sống hằng ngày là những giao tiếp lặp đi lặp lại. Với mỗi một nước cờ, chúng ta đều quan sát và học được một mánh khóe nữa. Ví dụ điển hình là hành vi của con người, và mỗi hành vi sẽ đem lại cho người ta một cái tiếng gì đó. Nếu người ta liên tục có những hành động thành thật, họ sẽ có thanh danh là người đáng tin tưởng. Mặc dù trong ngắn hạn chúng ta có thể bị thiệt thòi, về lâu dài mọi người đều sẽ nghĩ chúng ta đáng tin cậy. Nhưng khi người ta lại có tiếng tăm trong ngành đòi nợ và sẵn sàng ra tay thẳng thừng với những thành phần trốn nợ, thì họ không khác gì những tay xã hội đen. Nên nếu muốn có thanh danh tốt, hãy nỗ lực hành động đúng đắn dù cho điều này khiến bạn thiệt thòi trong ngắn hạn, vì chỉ những hành vi này mới khiến người ta thấy bạn là người nghiêm túc. Nếu bạn quen hành xử vì những lợi ích trong ngắn hạn, luôn tham bát bỏ mâm, thì con người ta sẽ tự động lập trình trong đầu là lúc nào bạn cũng sẽ hành động như thế. Nhưng nếu bạn chịu kỷ luật với bản thân và tuân theo luật lệ của mình, cho dù luật lệ này là để đạt được tính liêm khiết hay máu lạnh vô tình, thì dù có khó khăn đến đâu trong ngắn hạn, về lâu dài  nó sẽ trở thành lợi thế trong đàm phán vì đối phương sẽ cho rằng bạn sẽ hành xử theo luật lệ đó. Khi đàm phán, bạn không còn cần phải hành động nhiều để chứng minh mình sẵn sàng làm theo luật lệ.

HY LẠP: MỘT TRÒ CHƠI ĐƯỢC LẶP LẠI NHIỀU LẦN

Hãy cùng quay trở lại với cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Nếu đây là lần đầu tiên Hy Lạp không thể trả được nợ của mình và mọi người đều nhìn vào và nghĩ rằng đây là một điều không may và Hy Lạp là kẻ vô tội hoàn toàn, thì vụ này rất dễ giải quyết, bởi các chủ nợ trong tình huống này (quỹ IMF và các nước trong EU) thà lấy được một chút nợ quèn trong khoản nợ đấy còn hơn là mất trắng. Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng tổng nợ của Hy Lạp đã vượt quá GDP 176%, và nước này đã hoàn toàn mất khả năng chi trả. (Hãy rằng tuy nợ công Nhật Bản đang ở mức 237% GDP, cao hơn nhiều Hy Lạp nhưng phần lớn chủ nợ là cá nhân và tổ chức tại Nhật Bản, chứ không phải người nước ngoài.) Trong tình huống này, một thỏa thuận mới sẽ có lợi cho cả hai bên.

Nhưng trong trường hợp này, tôi xin nhấn mạnh rằng nó không phải là hy hữu. Chính phủ Hy Lạp đã từ lâu có danh tiếng xấu về việc:

-   Xuyên tạc số liệu tài chính công;

-   Thu hồi thuế kém;

-   Không tái cơ cấu được nền kinh tế.

Hy Lạp đã có ít nhất 5 lần phá sản (vào các năm 1826, 1843, 1860, 1894 and 1932). Đã có nhiều nước trong EU khác được nhận các gói cứu trợ đi kèm điều khoản nhất định, và nếu Hy Lạp được ưu ái hơn, các nước nay sẽ đòi được hưởng những chính sách tương tự. Cho dù chính phủ Hy Lạp hiện thời hoàn toàn thành thật và những quan chức được bầu tận tâm với các thay đổi chính sách trong tương lai (ví dụ: triệt để cải thiện tình hình thu thuế) có lợi cho cả bên cho vay và bên nợ, sẽ rất khó để dàn xếp được thỏa thuận này vì không ai còn tin Hy Lạp nữa. Thậm chí, có một giả thuyết rằng, có một số chủ nợ trong EU (không chỉ riêng Đức) thực ra đang cố tình ép chết Hy Lạp để tái thiết lập kỷ cương cho những nước đang loe ngoe xin tiềnh khác. Thậm chí tôi nghi ngờ có những người ở Hà Lan và Phần Lan muốn đẩy Hy Lạp đến giới hạn phải tự động rút khỏi EU để họ có thể tống khứ nước này ra khỏi EU mãi mãi và để mặc nước này tự lực cánh sinh bằng cách nào đấy (có thể là bán thân cho Nga, nếu nước này đủ tiềm lực kinh tế). Và khi Hy Lạp ra khỏi Eurozone, việc này có thể lan tỏa và thậm chí khiến cho cả vùng EU chao đảo. Nhưng rủi ro này rất đáng phải chịu, bởi vì nó khiến cho các nước EU còn lại kết dính hơn và sống sót được lâu hơn. Một vấn đề nhập nhèm nữa là tính ngoại vi của nguyên nhân gây ra vấn đền. Nhiều người nghĩ rằng Hy Lạp đã tự rước họa vào thân bằng việc đi vay nợ quá nhiều. Những người khác lại cho rằng chính các hoạt động của Eurozone đã và đang khơi mào thêm nhiều vấn đề, khiến cho Hy Lạp càng gặp khó khăn thoát nợ, dù cho mục đích giúp đỡ Hy Lạp ban đầu của Eurozone bắt nguồn từ cảm giác tội lỗi.  Nhưng ở Bắc Âu, đây đã trở thành một câu chuyện ngụ ngôn mà trong đó Hy Lạp phải tự đối mặt với những hành vi xấu xa trong quá khứ, điển hình ở đây là tầng lớp thượng lưu của Hy Lạp đã tham nhũng, chỉ lo vơ vét cho bản thân, gây lũng đoạn các đợt bầu cử trước của Hy Lạp.

KẾT LUẬN

Không giống như các vụ phá sản của doanh nghiệp, các đất nước có thể lựa chọn khất nợ. Bên cạnh đó, từ trước đến nay chưa có một quy trình nào được vẽ ra để một đất nước có thể vỡ nợ, mà chỉ có một hành lang pháp lý hết sức lỏng lẻo, cùng với rất nhiều ca “bầy nhầy” từ trước mà cả chủ nợ và con nợ có thể học hỏi một vài mánh khóe từ đấy. Mỗi vụ dàn xếp nợ quốc gia vì vậy có một không hai và phức tạp hơn rất nhiều so với vụ phá sản của một công ty. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những người mua trái phiếu chính phủ vì một đất nước hoàn toàn có thể phá sản.

PHỤ LỤC: SONG ĐỀ TÙ NHÂN

Tóm lược về lý thuyết trò chơi này như sau: có hai kẻ tội phạm bị giam giữ trong hai phòng giam riêng biệt. Cảnh sát trưởng chỉ có đủ bằng chứng để kết tội chúng theo một mức án nhẹ nhàng, nhưng ông này lại muốn chúng khai nhận một tội danh nặng nề hơn. Ông bèn làm cùng một thỏa thuận với hai kẻ này: nếu hắn (hầu hết tù nhân là đàn ông) nhận tội thì sẽ chỉ phải nhận một bản án nhẹ, còn nếu quyết không nhận mà tên kia lại nhận thì hắn sẽ phải chịu án nặng hơn nhiều. Lúc này mỗi tên đều có động cơ chính đáng để khai nhận vì hắn cho rằng đồng phạm cũng sẽ đầu thú như mình. Thế là cả hai đều khai và đều phải nhận bản án nặng, trong khi đáng lẽ nếu chúng đều giữ im lặng thì hình phạt sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Trong trò chơi một chọi một mà tính logic là điều hiển nhiên thế này, việc bạn thú tội là hoàn toàn có lý. (Trò chơi này loại trừ khả năng hai tên được dặn trước là không được khai, một tình huống rất phổ biến trong giới mafia. Ở đây, nỗi sợ hãi các hình phạt nặng nề của hai tên tội phạm đủ để đè bẹp những giao kèo có trước này, vậy nên các thưởng phạt của trò chơi cũng thay đổi theo.) Thế nhưng trong một nghiên cứu nổi tiếng vào đầu thập niên 1980, nhà khoa học chính trị Robert Axelrod đã chỉ ra rằng khi ta lặp đi lặp lại một trò chơi, sự hợp tác giữa các bên lại có thể trở thành chiến lược hợp lý và bền vững nhất. Tình huống nghiên cứu là một mô phỏng máy tính của một trò Song đề tù nhân được lặp đi lặp lại, mà ở đó các nguyên tắc quyết định khác nhau được đấu chọi. Cuối cùng, nguyên tắc giản đơn “tit-for-tat” (có qua có lại) đã giành quán quân. Khi ta nhắc lại liên tục trò chơi này, nguyên tắc “có qua có lại” phát triển thành một chuỗi các kết cục không-thú-tội đến từ cả 2 tên tội phạm.

Trên đây là một ví dụ cho thấy sự lặp lại một trò chơi sẽ đến một lúc nào đó dẫn đến một kết quả tốt hơn (cho hai tên tội phạm chứ không phải cảnh sát trưởng). Nhưng khi đứng trước tình huống xóa nợ và các trường hợp tương tự, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu các bên cùng tìm ra một giải pháp có lợi cho tất cả. Dù gì, với hầu hết mọi người, cuộc sống gần như lúc nào cũng là một trò chơi lặp đi lặp lại.

Nguồn ST

Tin khác

Hỗ trợ skype
0938 779 660